Truyện ngắn Một kỷ niệm nhỏ thôi - Sim và Du

Vân_Du

Từ biệt
Một kỷ niệm nhỏ thôi
Tác giả: Sim và Du
Thể loại: truyện ngắn
Tình trạng: hoàn thành
Rating: 13+​

- Truyện sử dụng nhiều từ ngữ địa phương miền trung vì mong muốn giữ lại cảm xúc của mình.

- Truyện vẫn còn nhiều thiếu sót nên hi vọng mọi người góp ý giúp mình tiến bộ

- Sau cùng cảm ơn các bạn đã ghé lại và lắng nghe câu chuyện cỏn con này của mình. Yêu ><

Tôi lắc lắc cái ly để những viên đá chạm vào thành thuỷ tinh mỏng, cốt để nghe cái tiếng leng keng giòn giòn đã tai đang tan ra trong lớp nước chuyển lạnh sóng sánh, rồi tôi ngửa cổ tu một hơi dài, rồi lại một hơi nữa hệt cái tư thế quyết 100% cùng bạn nhậu. Con Gấu đang nằm im cũng nghển cổ lên nhìn cái động tác học đòi nửa mùa của tôi. Nếu biết nói thì Gấu hẳn là một bạn nhậu lý tưởng, tiếc thay nó chỉ là một con chó mười một tháng tuổi.

Ấy là tôi thầm nghĩ, chứ con chó nghển cổ vì đĩa khô gà sát mép mà chỉ được khép nép ngửi ngửi cho đỡ thèm. Dù sao nó vẫn là con chó đã được dạy dỗ phải phép. Nó chỉ có thể ăn khi có lệnh, và muốn được ăn vặt thì nó phải thể hiện vài động tác thòm thèm tội nghiệp.

Ấy cũng chỉ là chuyện mà tôi thầm nghĩ. Ai bảo chó không biết nói cơ chứ, nên tôi đành nghĩ thay cho nó rồi thì quyết thay cho nó luôn. Nghĩ đến đây tôi thở ra một cách trải đời, ừ thì cũng có khối người tình nguyện giữ im lặng cho đến cuối đời mặc người khác nói giùm nói thay đó thôi. Cũng chỉ bằng một con…

Trong khi uốn nắn suy nghĩ của mình cho bớt phần thô thiển mà vẫn không mất đi tính triết lí rõ mùi đời, tôi bốc một nhúm khô gà cho con Gấu. Con Gấu ngay lặp tức ngoác mồm đớp mà không kịp suy nghĩ và cũng nuốt xuống mà không kịp nhai. Tôi lầm bầm mắng yêu một tiếng rồi vuốt đầu nó, lòng có chút tự mãn vì nghĩ mình vừa đi guốc trong bụng một con chó. Cái chuyện đi guốc này cũng không phải chuyện dễ dàng, tuyệt đối không phải là chuyện dễ dàng chút nào.

Cũng chưa biết được ai đi guốc trong bụng ai mà bây giờ con chó đã được ăn ngon, và tôi thì sắp hết đĩa nhắm anh shipper vừa giao nóng hồi chiều.

- Cháu đang làm chi ngoài đó rứa?

Đột nhiên có tiếng nói từ đằng sau làm tôi giật thót, cái ý định làm thêm hớp nữa cùng bầu không khí trầm lắng suy tư vừa giây trước loáng vụt tắt.

- Trời nóng, cháu ngồi mát tí. Xíu nữa cháu vô liền.

Bà nhìn cái đầu cứng đơ đang cố xoay cho đủ 180° của tôi hơn một phút đồng hồ mà không có biểu cảm gì đặc biệt. Và sau khi ừ một tiếng bà lại chậm chạp quay vào nhà.

Tôi ỉu xìu thở ra một hơi dài, dài đến nỗi lòng ngực xẹp lép như muốn dính chặt ra sau lưng. Chao ôi, chắc chắn là bà nhìn thấy hết trơn rồi. Ôi chào, cái đứa cháu gái bà không tiếc công rèn giũa “công tằng tôn nữ”. Đấy, cái đứa cháu gái lớn của bà, giờ thì cho đẹp mặt.

Ấy là cái suy nghĩ trong lúc nhất thời, hoặc cũng có thể sẽ kéo dài thêm vài tháng thậm chí là hết đời tươi đẹp của tôi. Uống bia vốn không phải là chuyện gì ghê gớm lắm, nhất là uống bia vào một ngày nắng xấp xỉ 40°C, mà kể chi vì ông bà cũng không phải là người cổ hủ, cập nhật tin tức chính trị, xã hội chả thua kém gì lớp trẻ. Chỉ là cái tư thế ăn mảnh vốn xấu xí, xấu xí từ cái thuở loài người vừa mới biết được xấu xí là gì.

Ôi chào, cái tính tự ý thức này đúng là phiền ghê.

Nhưng sao có thể trách tôi được, tôi không thể hỏi ông bà mình “làm một hớp” hay đại loại mấy lời mời dù là lễ phép. Tôi vốn đã yên trí về cái bình trà vừa pha cùng với hộp bánh quy bơ ở trên bàn, thế mà bây giờ, tự dưng tôi lại thấy thật buồn. Cái khoảng cách quăng tám sào không thấu giữa hai thế hệ… hẳn sẽ kéo dài đến hết cuộc đời này. Chỉ nghĩ thôi cũng thấy buồn lắm rồi.

Tôi đang ngồi trên bậc thềm sau lưng nhà thờ. Nền nhà thường được quét tước sạch sẽ nên tôi chẳng ngần ngại vứt bỏ cái tư thế giấu đầu hở đuôi mà nằm vật ra. Gần 500ml bia trong bụng cũng chẳng hề hấn gì đến tâm trí của tôi lúc này. Ba tôi là một tay hăng say “thứ thiệt” trên bàn nhậu, cái danh “thứ thiệt” này không phải là nói cho có. Mặt khác, nó còn có tính di truyền.

Bầu trời hôm này chẳng có gì đặc biệt, một đám sao lấp lánh và rải rác mà kẻ thô thiển thường ví von như những viên đá quý, còn người văn nhã cho rằng ấy chỉ là cách nghĩ của kẻ thô thiển. Một vầng trăng bị khuyết hơn nửa khiến tôi không thể đoán ra hôm nay là ngày bao nhiều. Nghỉ dịch hơn hai tháng khiến tôi gần như quên mất khái niệm về thời gian.

Đúng là tiêu biểu cho một lớp trẻ không có tiền đồ.

*****

“Say à? Ha ha, nếu tôi say được thì hay biết mấy! Nhưng ác nghiệt thay, càng uống vào thì tôi lại thấy mình càng thêm tỉnh. Càng nghe như nỗi buồn đang gặm nhấm tâm tư.”

Tiếng ti vi trực tiếp lôi tuột tôi ra khỏi mộng mị. Nhìn lên vách tường, nắng vẫn chưa kịp với thấu, tôi lại dụi mặt vô gối bất động. Từ khi đến ở cùng ông bà ngót nghét đã gần hai tháng, tôi dường như đã quên mất cái cảm giác sung sướng khi có thể ngủ một mạch đến khi tự tỉnh, bằng mặt bằng lòng mà bò ra khỏi giường.

“Em phải ra đi vì chính mẹ con em đã gây nên tan vỡ, chính vì em mà anh chị phải chia ly.”

Giọng hát cô Lệ Thuỷ ngọt sớt mà cao vút lần nữa lay tỉnh tôi. So với tiếng chuông báo thức cộc lốc, thì ngọt ngào cỡ này lại khiến tôi ưng bụng quá xá.

Bà nội rất mê nghe cải lương, đặc biệt khi có cặp đôi “song kiếm” Minh Phụng - Lệ Thuỷ, mà dĩ nhiên những vở kia bà nội đều xem hết sạch, nay bà lấy Minh Vương thế chân Minh Phụng mà từ đầu đến cuối đặng vẫn không ưng được, vẫn lẩm nhẩm chê giọng chưa đủ trong và tình như “kép nhứt” Minh Phụng. Thế nhưng tối hôm qua chưa kịp xem xong, sáng nay bà đã vội bật lên xem kì hết, cốt cho kịp chợ sáng.

Tôi lăn lui lăn tới một chập cho tỉnh hẳn mới vén mùng dọn mền, rồi chẳng thiết rửa mặt tôi vơ luôn cây chổi chạy tót ra sân, quét lấy quét để. Tôi phải quét xong trước khi nắng oi dội xuống, nếu không tôi sẽ bị nắng nướng chín. Thật chớ chả đùa, cái sân hơn trăm mét vuông rất có khả năng sau khi lăn một vòng nắng sẽ có mùi khét. Mùi khét ở đây còn có thể phát ra từ túi tiền.

- Ừ, quét giỏi để ông phơi lúa.

Ông nội đứng trên thềm nói với ra. Tôi cũng không ngơi tay mà cười cười dạ dạ. Dĩ nhiên trong nhà vốn chả còn bất kì hạt lúa nào cho ông phơi cả, ruộng của ông đã bị nhà nước thu mua hết ráo. Cái sân xi măng này hẳn cũng quên luôn nguyên nhân nó được tạo ra. Có chút vô vị và nhàm chán thay cho cái giá trị cốt lõi thuở ban đầu. Thật ra là tôi đang nghi ngờ lợi ích của việc mình đang làm. Vất vả là thế nhưng dường như tôi chỉ đang phục vụ không công cho lũ gà trời đánh hay ị bậy.

Ông nội khi xưa là quân y vào tận chiến trường miền Nam, sau giải phóng ông về làng mần ruộng. Có chút khác biệt là lúc ra đi tay trắng, lúc trở về ông đeo thêm hòm thuốc bên hông. Thế là từ đó ông trở thành một "nông dân y tá gia đình", bởi ngoài việc mần ruộng, ông còn đạp xe đi tiêm thuốc cho cả làng. Hồi đó quầy thuốc tây rất hiếm và tuốt ở trên phố, thế nên tiếng tăm của ông vang xa thêm hai ba cái làng. Đặc biệt, danh tính ông nổi như cồn trong đám trẻ độ mới tập ăn.

Cái câu doạ dẫm “ăn nhanh, cả mẹ kêu ông Mượn tới chích mông” chắc phải theo đám nhỏ hết thời mẫu giáo lớn. Còn nhớ, hồi năm sáu tuồi gì đó, tôi cũng sống với ông bà nội một đoạn thời gian. Một hôm ra đầu ngỏ mua đồ ăn sáng, một chị kia đột ngột chộp lấy tay tôi rồi quay sang thằng nhóc đang trầm ngâm bên tô bánh canh sắp nớt mà nghiến răng: “đây, cháu ông Mượn chích thuốc đó, sợ chưa!”. Thì ra được hưởng cái tiếng thơm lây cũng có thể trong cái dạng này.

Ít ra thì tôi vẫn cảm thấy mình thật may mắn vì bản thân lớn lên cực kì khoẻ mạnh mới tránh được hoạ vạch quần chích mông từ ông nội.

Dường như chỉ đợi tôi đáp lời ông liền lững thững quay vào nhà. Giờ ông đã tám mươi tuổi, tâm trí đã có chút rơi rớt lộn xộn. Từ cái hôm ông té ngã ngoài ruộng vì cao huyết áp sức khoẻ ông càng yếu hơn. Vào mùa này thỉnh thoảng như chợt nhớ ra điều gì ông sẽ hỏi bà “lúa của mình mô, răng không đem phơi?” nhưng năm nay ông lại quay sang hỏi tôi chỉ vì thấy tôi siêng năng quét tước trước sau.

Quét sân xong, tôi lại quay vô quét nhà, sau đó là rửa bát, lau nhà. Và trong lúc bà đi chợ, tôi sẽ đi hái rau. Đợi đến khi bà nấu ăn tôi sẽ ngồi bên nghe bà truyền đạt bài học “công tằng tôn nữ” thêm một lần nữa. Cứ thế một buổi sáng bận rộn chóng qua.

- Thưa chị, con mới tới.

Giọng nói lảnh lót như sáo vang lên kèm theo cái đầu nhỏ ghé vào cửa làm tôi giật nãy, may mắn là tôi đang ngủ trưa chứ không phải là đang thay áo quần hay móc mũi. Tóm lại, trong mắt mấy đứa cháu thò lò mũi xanh, tôi vẫn giữ được hình tượng nghiêm nghị thậm chí còn có nguy cơ thét ra lửa. So với ba mẹ và ông bà nội, chúng sợ tôi hơn cả.

- Răng Sữa lại tự ý vô phòng chị! Đã nói bao lần là không có chị cho phép em không được mở cửa rồi mà!

Tôi đanh thép nói một tràn rõ dài, làm đứa cháu nhỏ chỉ biết tái mặt nính thin, lủi thủi chạy ra ngoài. Mà tôi cũng chẳng có chút hối hận nào, khoá phòng bị hỏng đã đủ khiến tôi phát bực rồi.

Sữa là con của cô út. Nhỏ là một đứa trẻ khá ngoan ngoãn, và khi nhỏ đối mặt với tôi, cái đức tính ngoan ngoãn ấy càng được bộc lộ rõ ràng. Sữa không mách lẻo ông bà những lần tôi hung dữ với nó, ngược lại Sữa phó mặc cho tôi sai xử đủ thứ chuyện trên đời như rót nước, tắt đèn, bật quạt…

- Chị la em hả?

Giọng bà hơi vang làm tôi đang nằm trong phòng cũng có thể nghe rõ ràng.

- Dạ không phải...

Đến đây bà cũng không hỏi thêm gì, sự bé nhỏ và đáng yêu của đứa cháu gái bé bỏng khiến bà nheo mắt cười dịu dàng.

- Sữa ăn bánh không, bà cho?

- Dạ ăn!

Giọng đứa cháu giây trước ỉu xìu bao nhiều giờ tươi tắn ríu rít bấy nhiêu, nom rất có tinh thần. Tôi ở trong phòng cũng không còn cảm giác thèm ngủ. Không gian yên tĩnh như khéo léo giữ lại tiếng cười nói của hai bà cháu ngoài thềm.

Trong trí nhớ nhạt nhoà của tôi, bà chưa một lần bế tôi trên tay, chưa một lần cười đùa, âu yếm tôi như những đứa cháu khác. Mà tôi cũng chưa một lần nũng nịu, vòi vĩnh ẵm bồng. Tôi biết bà chưa từng thương tôi, tuy thế trong lòng tôi cho đến tận bây giờ vẫn thèm khát cảm giác được bà cưng chiều biết bao.

Bà nội không thích mẹ tôi, và dĩ nhiên mẹ của tôi cũng không thể chịu nổi tính khí cay nghiệt của bà. Chuyện mẹ chồng nàng dâu ngày xưa khủng khiếp hơn cả phim truyền hình ngày nay. Cay đắng và khốn khổ họ gây ra cho nhau còn vô tình lan ra những người kề cạnh. Mà sự ác cảm một khi đã được gieo mầm thì sẽ sống bám như một loài dây leo.

- Thuốc Hoạt Huyết Nhất Nhất, một ngày hai lần, một lần hai viên.

Ông nội đột ngột lên tiếng làm tôi thoáng ngẩn người khó hiểu, tôi ngước lên nhìn khuôn mặt tươi cười của ông rồi lại nhìn xuống tay mình. À thì ra trên tay tôi là một hộp giấy màu xanh lá. Lửa đã cháy, tôi cũng không thiết ném cái vỏ vào bếp mà chỉ chỉnh lại đống củi cho lửa lan ra. Buổi chiều, tôi chỉ cần nấu xong hai ấm nước là hoàn thành nhiệm vụ.

- Đúng luôn nè, ông còn nhớ luôn à, hay ghê!

Tôi mân mê cái vỏ hộp, lấy ra tờ hướng dẫn sử dụng, lòng không khỏi ngạc nhiên. Tôi biết ông lẫn không quá nặng. Họ hàng xa đến thăm, ông có thể chầm chậm nhớ ra, tuy nhiên ông hay xỏ nhầm dép và lau mặt nhầm khăn của bà, vấn đề này bà vẫn hay càm ràm thế mà ông vẫn cứ nhầm suốt, nhiều khi ông quên không biết mình để gói thuốc lá ở đâu làm tôi phải chạy đi mua hai ba vòng. Vốn tôi vẫn tưởng ông không nhớ nổi những cái chi tiết, vụn vặt, ấy vậy mà vừa nhìn vỏ thuốc ông biết ngay là loại gì, uống thế nào.

- Có chi mà không nhớ, ông nghề đi chích thuốc mà.

Ừ nhỉ, những viên thuốc đã sống cùng ông cả nửa đời người, ấy là tất cả những thứ ông có và tự hào thì làm sao có thể dễ dàng quên đi.

- Ông ơi, ông nhớ con là ai không? - Tôi như mê man hỏi một câu trớt quớt.

- Mụ cô mi, nói tầm bậy. Ông không nhớ mi thì nhớ ai!

Nghe ông nói mà tôi tựa có cảm giác được mắng yêu, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy đến, tự dưng lòng ngực hơi nặng và họng thì hơi nghẹt. Tôi thấy thương ông quá, cái cảm giác đột nhiên mà tựa như lâu lắm.

Tôi chợt nghĩ đến bà nội, nếu một ngày nào đó bà cũng trở nên già yếu và tâm trí không còn được minh mẫn thì liệu tôi có thể giống như những viên thuốc của ông, là điều được yêu quý và tự hào không thể quên...

Bà không thương cháu cũng được, nhưng xin bà đừng quên cháu...

*****

Tôi xách hai cái ba lô ra đến cửa rồi ngồi xuống mang giày. Nhìn đôi giày bata phủ bụi lâu không dùng đến, thấy hai tháng nghe vậy mà trôi qua cái vèo.

Vì cái cửa sổ duy nhất trong phòng tôi bị lấp mất nên tôi đồng ý đến ở với ông bà nội suốt hai tháng qua. Cái lý do cũng dở hơi y hệt cái tính ất ơ xưa nay của tôi.

Nhà kế bên mới xây biến bầu trời trong xanh ngoài cửa sổ phòng tôi bỗng chốc hóa thành đống gạch lổm nhổm khiến tôi nhất thời không thể chấp nhận được. Tôi tức giận, thật sự tức giận nhưng không biết nên giận dỗi với ai. Cả nhà đều cho rằng đấy là tôi đang chuyện bé xé to, không đáng.

Dĩ nhiên mọi người không biết thế giới nhỏ bé chỉ thuộc về riêng tôi đã thay đổi to lớn như thế nào. Thế là sẽ không còn những ngày nằm dài bên cửa sổ đọc sách, sẽ không còn một loại ánh sáng nào như thế rơi trên những trang giấy và sẽ không bao giờ còn những ngày nằm nghiêng vừa mở mắt đã thấy bầu trời. Tôi nhìn bức tường đã được trám nhẵn nhụi phía đối diện, một chút dấu vết tồn tại của quá khứ cũng không còn. Và tôi biết có thứ gì đó đã đứt lìa khỏi thế giới này. Tự dưng khóe mắt có chút cay, tôi khép chặt mi cố ép ra một giọt nước mắt... nhưng không được, dù rõ ràng là tôi đang rất đau khổ. Tôi tưởng đến những giọt nước mắt lăn nhanh rồi biến mất trong những sợi tóc mai, thật cay và xót.

Những năm gần đây, khi thế giới ngoài kia trong mắt tôi ngày một rõ nét thì cái cảm giác mơ hồ hỗn độn trong lòng tôi càng thêm chất chồng. Những màu sắc cảm xúc của ngày trước dần tan biến trong những vòng xoáy tựa chỉ sau một giấc ngủ trưa. Tưởng như ở đây, thứ còn lại trong thân xác này chỉ là sự chắp nối khuyết thiếu.

Tôi biết cái cảm xúc ngớ ngẩn và vô lý này sẽ sớm được quên đi, hoàn toàn quên đi, giống như một lần nữa tỉnh dậy, và thấy ánh sáng lấp ló đâu đó.

- Cháu về nhà đó hở?

- Dạ. Cháu thi xong rồi, giờ phải đi làm nữa.

- Rứa là ngày ni bà lại ngủ một mình rồi!

- Mô, Bà có ông mà!

- Chào, bà khi mô mà không ở với ông mi!

Bà bật cười, tôi cũng bật cười. Đây là cuộc trò chuyện mà trong suốt hơn mười mấy năm qua, lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ ràng và chân thực một sự kết nối tốt đẹp của ruột thịt giữa tôi và bà.

Tôi vin vào cớ nhà bên đang thi công, cần một nơi yên tĩnh để ôn thi cuối kì, thật chất là vì muốn chạy khỏi sự ngột ngạt trong chính căn phòng của mình, thế nên tôi đã đến đây với tâm trạng nửa muốn nửa không. Vậy mà giờ tôi lại lật lọng, hàm hồ cho rằng mình đến để làm bạn cùng ông bà, dù ai cũng rõ ràng chú Cường ở gần đó đã gánh trách nhiệm phụng dưỡng, phải hiếu với ông bà đến cuối đời.

- Sữa ra đây chị biểu!

Chợt thấy cái đầu nhỏ lấp ló bên cửa sổ, tôi liền dở dọng sai bảo. Sữa yếu ớt chạy đến đứng cạnh xe máy của tôi một cách ngoan ngoãn. Tôi vuốt tóc nó, nhìn đôi mắt to ngạc nhiên đang ngước lên.

- Sữa có thương ông bà không?

- Dạ thương.

*****

Tôi về lại căn phòng của mình, nó vẫn còn vướng lại đâu đó hơi thở xa lạ như cái ngày tôi đi. Nhưng tâm trạng tôi đã không còn cảm thấy bức bối khó chịu nữa, một chút cũng không. Tôi bình thản nằm xuống giường, nghiêng mình đối diện với mảng tường trống trơn. Tôi tưởng đến những bức tranh sặc sỡ, màu của nắng và bầu trời trộn lẫn nhưng không hoàn tan, khắng khít và đan xen. Có lẽ hỗn độn hoặc có lẽ không.

Nước mắt rơi nhanh, lẫn vào tóc mai hệt như những gì tôi tưởng tưởng. Cay và xót.

Tôi thừa biết những thứ đã cũ vốn không thể theo tôi mãi được…





Tâm sự nhỏ: nếu ai đó biết mình sẽ biết mình không viết truyện ngắn đã lâu, thật ra là từ năm 2017. Nói sao nhỉ, vì trong lòng mình luôn khiếm khuyết và chắp vá nên chỉ có thể bật ra những câu từ không rõ nghĩa, không đầu không đuôi. Và để níu giữ những thứ chớp nhoáng ấy, mình viết tản. Thế nhưng những mảnh vụn ngày càng nhỏ và thưa dần, mình nghĩ nó sẽ biến mất hoàn toàn vào một ngày nào đó.

Mình nhớ mình từng nói với những người bạn của mình rằng mình là người ghi chép. Mình sẽ ghi chép tất cả những thứ xung quanh như một kỷ niệm đưa tiễn về những thứ đã xuất hiện và chắc chắn sẽ biến mất. Nhưng lâu quá rồi, mình đã sớm quên. Mãi đến khi mình viết truyện này. Mình nghĩ tất cả chỉ là do mình tưởng tượng, những thứ mình gọi là mất mát và khổ đau đều là tưởng tượng của mình.

Thế nên mình sẽ dừng lại ở đây, mình sẽ chọn lựa và tiếp tục hi vọng.


2/6/2021, Thương mến vụn vặt của những năm 20
 
Last edited:

Umio.

Newbie
Staff member
Moderator
dòn dòn
=> giòn giòn hả?

và tôi thì sắp hết đĩa nhấm anh shipper vừa giao nóng hồi chiều.
=> nhắm (rượu)?

ông bà cũng không phải là người cỗ hủ
=> cổ hủ nè.

Nền nhà thường được quét tước sạch sẻ nên tôi chẳng ngần ngại vất bỏ cái tư thế giấu đầu hở đuôi mà nằm vật ra. Gần 500ml bia trong bụng cũng chẳng hề hấn gì đến tâm trí của tôi lúc này. Ba tôi là một tay hăng say “thứ thiệt” trên bàn nhậu, cái danh “thứ thiệt” này không phải là nói cho có. Mặc khác, nó còn có tính di truyền.
=> sạch sẽ.
Mặt khác.

So với tiếng chuông báo thức cọc lóc
=> cộc lốc.

chiến trường miền nam
=> miền Nam.

“ăn nhanh, cả mẹ kiêu ông Mượn tới chích mông”
=> kêu hả bồ?

Dường như chỉ đợi tôi đáp lời ông liền lửng thửng quay vào nhà. Giờ ông đã tám mươi tuổi, tâm trí đã có chút rơi rớt lộn xộn. Từ cái hôm ông té ngả ngoài ruộng vì cao huyết áp sức khoẻ ông càng yếu hơn.
=> lững thững.
té ngã.

Mà tôi cũng chưa một lần nũng nịu, vòi vĩnh ẩm bồng.
=> ẵm bồng

Tôi như mê mang hỏi một câu trớt quớt.
=> mê man.

liệu tôi có thể giống như những viên thuốc của ông, là điều được yêu quý và từ hào không thể quên...
=> tự hào.

Nhưng tậm trạng tôi đã không còn cảm thấy bức bối khó chịu nữa
=> tâm trạng.

Bồ sửa lại những lỗi đánh máy và lỗi chính tả này nhé. Vẫn như xưa, lỗi của bồ là nhầm lẫn giữa thanh hỏi và thanh ngã, giữa một số vần, tui hiểu là do ảnh hưởng của giọng nói địa phương nè, nên từ từ sửa nha, từ nào không chắc chắn hãy google trước.

À, quy định là phải thêm Tình trạng sáng tác và gán Rating vào nữa. Xong xuôi hết lượt tag lại tui, tui move cho! Còn nội dung, tui sẽ dành một ngày thảnh thơi để đọc, rất nhiều cảm xúc đấy! Ráng chờ tui.

Ps: Bồ ơi, đăng ký duyệt truyện cho cả "Nghiêng" đi! Không có bài đăng ký tui không được duyệt!
 

Vân_Du

Từ biệt
=> giòn giòn hả?


=> nhắm (rượu)?


=> cổ hủ nè.


=> sạch sẽ.
Mặt khác.


=> cộc lốc.


=> miền Nam.


=> kêu hả bồ?


=> lững thững.
té ngã.


=> ẵm bồng


=> mê man.


=> tự hào.


=> tâm trạng.

Bồ sửa lại những lỗi đánh máy và lỗi chính tả này nhé. Vẫn như xưa, lỗi của bồ là nhầm lẫn giữa thanh hỏi và thanh ngã, giữa một số vần, tui hiểu là do ảnh hưởng của giọng nói địa phương nè, nên từ từ sửa nha, từ nào không chắc chắn hãy google trước.

À, quy định là phải thêm Tình trạng sáng tác và gán Rating vào nữa. Xong xuôi hết lượt tag lại tui, tui move cho! Còn nội dung, tui sẽ dành một ngày thảnh thơi để đọc, rất nhiều cảm xúc đấy! Ráng chờ tui.

Ps: Bồ ơi, đăng ký duyệt truyện cho cả "Nghiêng" đi! Không có bài đăng ký tui không được duyệt!
Xong rồi bồ, hiu hiu tui tra rồi đó chứ, dò chục dạo mà vẫn sai bằng đc ấy.
Tui vẫn tưởng nghiêng duyệt rồi, thì ra là duyệt bên kia.
 

Umio.

Newbie
Staff member
Moderator
Hôm bữa bận quá chưa kịp viết cảm nhận nữa, nay tui quay lại nè ^^.

Đề là truyện ngắn, nhưng là một câu chuyện không có cốt truyện, không có nhiều tình tiết, giống như những lời kể dung dị, những tâm trạng phức tạp của một cô bạn nhỏ vậy. Biết gì không, tui cứ có cảm giác bồ ngồi xuống và những dòng chữ tự động chảy ra ngòi bút, chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần sắp đặt gì hết ráo ^^. Lần này cảm xúc của bồ rõ ràng hơn, không còn là những dòng vu vơ không đầu không cuối nữa, vì thế cũng khiến tui nhìn nhận mọi thứ không còn mù mờ như trước .

Cái truyện này, không khí của nó làm tui mê kinh khủng. Tui thích văn chương "cũ", rất ít người có được giọng văn đó, mà đa phần phải gồng dữ lắm nó mới ra chút chút. Còn ở đây bồ viết cứ như nó chảy ra từ trong lòng bồ vậy, nhất là đoạn này đọc thấy râm ran người luôn nè:

Bà nội rất mê nghe cải lương, đặc biệt khi có cặp đôi “song kiếm” Minh Phụng - Lệ Thuỷ, mà dĩ nhiên những vở kia bà nội đều xem hết sạch, nay bà lấy Minh Vương thế chân Minh Phụng mà từ đầu đến cuối đặng vẫn không ưng được, vẫn lẩm nhẩm chê giọng chưa đủ trong và tình như “kép nhứt” Minh Phụng. Thế nhưng tối hôm qua chưa kịp xem xong, sáng nay bà đã vội bật lên xem kì hết, cốt cho kịp chợ sáng.

Một phần phải kể đến những từ ngữ địa phương nữa nè, rất có chừng mực, không lạm dụng quá nhiều khiến người đọc bị "bội thực" mà vừa đủ một cách duyên dáng luôn ^^.

Trong câu chuyện, nhân vật "tôi" hiện lên là một cô gái đang ở ngưỡng trưởng thành, có những suy nghĩ rất đỗi chân thật và ngây thơ, như lúc cô tự hỏi liệu mình có giống như những viên thuốc trong lòng bà, được yêu quý và tự hào không thể quên không? Nhưng đằng sau sự ngây thơ, hồn nhiên đó là cả một tâm hồn giàu tình cảm, luôn khao khát trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương. Những suy nghĩ của cô về một căn phòng không có cửa sổ, về thế giới bị chặn đứng bởi mảnh tường xám xịt, là những suy tư đã bắt đầu len lỏi thế giới người lớn, nó làm tui chợt lờ mờ hiểu ra những dòng cảm xúc không đầu không cuối về những xoáy màu đa sắc của "Nghiêng".

Bồ à, đôi khi nghĩ "bà không thương tôi" có lẽ chưa hẳn đúng, cách yêu thương của người lớn kỳ lạ lắm, kín kẽ lắm, dường như người lớn họ sợ nói ra từ "yêu", từ "thương". Tui không phải "tôi", tui không hiểu hết những gì mà cô ấy phải trải qua, chỉ là tui mong cô gái nhỏ đừng nhận định quá nhanh, quá sớm, để rồi lỡ mất một yêu thương, thì tiếc lắm! Hi vọng cô ấy, dù không nhận được yêu thương như cách cô mong muốn, vẫn sẽ tiếp tục trao đi yêu thương của mình, không toan tính, không nghĩ ngợi được mất, hi vọng một cánh cửa sổ mới sẽ được trổ ra, đưa nắng và gió đến với cô ấy, bồ nhé! ^^
 
Top