08. Xoay chuyển
“Con vịt con chỉ có thể giương cặp mắt vẩn đục ngắm nhìn diều sáo bay lượn, mãi mãi không đủ khả năng cất cánh chao liệng cùng diều…”
1.
Khi tôi về tới nhà, cả gian nhà chìm trong bóng đêm tĩnh mịch. Má buông mùng đi nghỉ từ sớm, mợ cả đưa cậu Cường về nhà ngoại ở làng bên chơi mấy bữa, còn cha đóng cửa buồng bận viết lách. Ngọn đèn khuya leo lét một góc cửa sổ để ngỏ.
Chị Huệ ngồi một mình trước bậc cửa nhà dưới, tay ôm mặt lặng lẽ nhìn ra khoảnh sân tối om như mực. Vài đốm đom đóm lập lòe chớp tắt, bóng cây nghiêng ngả theo ánh trăng sáng in xuống nền gạch màu đỏ thẫm những hình thù quái dị.
Tôi ngồi xuống bên cạnh chỉ, cằm tựa lên đầu gối, hai tay ôm lấy má, mắt mơ màng nhìn đăm đăm vào bóng đêm mờ mịt. Lòng tự hỏi phải chăng cuộc đời chị em tôi cũng đang lạc lối trong màn sương dày, đi mãi vẫn chỉ thấy bốn bề là một màu đen tối tuyệt vọng.
Đột nhiên chị Huệ sẽ sàng than:
- Cậu Khải bạc tình quá Út.
Tôi bối rối không đáp.
Hai chẳng hiểu đâu, lòng em giờ đây cũng đau buồn như Hai vậy. Không, em đớn đau hơn Hai nhiều lắm. Em xót xa khi nhìn cậu tay bên tay một người con gái khác nhưng lại thầm mong người sánh bước bên cậu sẽ mãi là cô gái ấy chứ không phải Hai. Em cứ ngỡ lòng mình được hả hê thanh thản, vậy mà nhìn sâu vào đôi mắt vốn trong veo chẳng gợn một nỗi u sầu nay lại vướng màu tang thương mệt mỏi của chị, em bỗng nhiên muốn rơi nước mắt.
Lòng em có khác chi lòng chị? Cùng một bóng hình, cùng trăm nỗi ngổn ngang. Bước qua tuổi mười lăm mười sáu, chị em mình chẳng còn hồn nhiên như xưa nữa…
*
Cậu đứng bất động dưới bóng lá bưởi xum xuê giữa trưa hè nắng gắt. Vài chiếc lá xanh che khuất đôi mắt sáng, cậu khoác trên mình bộ quần áo lụa trắng giản dị, tay mang chiếc nón vải mềm. Bất cứ lúc nào ngắm nhìn, tôi cũng thấy ở cậu sự thanh nhàn, nho nhã, khác hẳn dáng vẻ cục mịch quê mùa của các anh trai làng.
Nhịp chân thong thả trên nền đất chậm dần, tôi ngập ngừng không biết nên tiến về phía trước hay quay đầu tìm lối đi khác. Chuyện cô Lan Khuê đột ngột xuất hiện đã đành, đằng này tôi lại còn đỏng đảnh giận dỗi vô cớ với cậu ở đêm Trung thu nọ.
Đương lúc tôi vẫn còn đắn đo thì tiếng cậu gọi giật đã vang lên thật gần:
- Út Liên!
Nói rồi cậu sải từng bước dài tiến về phía tôi. Không còn đường trốn tránh, tôi đành đứng gọn lại ven đường, núp dưới bóng cây chờ cậu mở lời.
- Út nè, chuyện Lan Khuê hổm rày đó… - Cậu ngập ngừng dòm vô mặt tôi một hồi.
Tôi nuốt nước bọt chờ đợi, ai dè cậu biểu:
- Huệ giận tôi dữ lắm phải không?
Hóa ra cậu vẫn chỉ dành sự quan tâm cho duy nhất một người – chị hai tôi! Vậy mà tôi chờ mong điều gì khi cứ ngỡ cậu đứng đây là để đợi mình?
Nén lại nỗi thất vọng trong lòng, tôi khẽ gật đầu.
- Út bảo lại với Huệ giùm tôi nha, Lan Khuê chỉ là em họ tôi thôi. Cổ là con gái của ông chú tôi trên Sài Gòn, chưa vô niên học nên một mực đòi theo tôi về làng đó.
Chẳng rõ lúc nghe những lời bộc bạch của cậu Khải, trong lòng tôi có cảm giác gì? Nhẹ nhõm hay thất vọng, vui mừng hay buồn bã?
Có lẽ là tất cả những tâm trạng đó dồn nén cùng một lúc. Vui mừng vì rốt cuộc người con gái Sài thành xinh đẹp kia không phải bạn gái của cậu, lại buồn bã vì cậu vẫn trước sau thủy chung một lòng với chị Huệ. Nhẹ nhõm vì gỡ bỏ được cảm giác tội lỗi khi mong muốn cậu rời xa chỉ mãi mãi để đến bên người khác xứng đáng hơn. Nhưng đồng thời cũng thất vọng khi ước mong bồng bột mà dai dẳng đó không trở thành sự thực.
Màu nắng chói chang in vào mắt tôi ong ong. Tôi chỉ khẽ “dạ” một tiếng nhỏ xíu như tiếng muỗi kêu.
- Tôi nhờ Út thêm việc này nữa nha! – Cậu Khải không hiểu rõ mớ suy nghĩ đang ngổn ngang trong đầu tôi nên cứ vô tư cất lời nhờ vả – Út đưa giùm tôi cuốn sách này cho Huệ với!
Tôi liếc mắt nhìn thì nhận ra ngay cuốn sách này là tiểu thuyết “Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh, cậu có nhắc tới nó trong một lá thơ gởi cho chị Huệ.
Tôi bối rối suy nghĩ rồi gật đầu nhẹ bâng.
Dường như cậu Khải chỉ đợi cái gật đầu của tôi, gương mặt căng thẳng của cậu lập tức giãn ra và môi cậu vẽ một nụ cười thật tươi.
- Tôi về nghen Út!
- Vâng cậu về…
Tôi còn đứng dưới bóng cây bưởi mãi, cho đến khi cái áo lụa trắng của cậu chỉ còn là chấm nhỏ xa xôi. Lòng cậu gỡ được một mối lo âu mà sao lòng tôi lại sầu muộn đong đầy…
Trên đoạn đường về tôi xoay ngang xoay dọc cuốn sách với cảm giác bực bội không thể nói thành lời. Đáng lẽ cuốn sách này nên thuộc về tôi mới đúng, vậy mà chị Huệ lại ngang nhiên dối cậu… Nhưng… chắc gì chỉ không dối cậu thì cậu sẽ tặng nó cho tôi? Quan trọng là người nhận nó, chứ đâu có quan trọng vật được tặng là chi…
Tôi thở dài tung cuốn sách lên cao rồi dùng hai tay chụp lấy khi nó rơi xuống mặt đất. Bỗng nhiên một phong thơ màu trắng kẹp trong quyển sách tung ra.
Phong thơ của cậu Khải gởi cho chị Huệ.
Chẳng cần cậu đề tên bên ngoài tôi cũng có thể đoán được. Nhưng mà lần này phong bì thơ không được dán kín như mọi lần, có lẽ cậu nghĩ kẹp trong cuốn sách thì tôi sẽ không phát hiện ra.
Mép phong thư hờ hững nửa đóng nửa mở như đang mời gọi óc tò mò của tôi. Tôi giữ nó mà lòng bàn tay túa đầy mồ hôi lạnh. Đọc hay không đọc đây? Trong đầu tôi, hai suy nghĩ ấy cứ giằng co qua lại một hồi lâu. Rồi cuối cùng không thể chịu đựng nổi nữa, tôi đưa tay sờ lên mép phong bì thư, dứt khoát mở nó ra để lấy tờ giấy được kẹp làm ba nhét ở trỏng.
Bức thư rất dài, dài hơn tất cả những lá thư mà cậu gởi cho chị hai tôi trước đó, dài tới bốn mặt giấy lận. Tôi đọc lướt qua ba trang đầu tiên, cũng không có gì nhiều, bỏ qua lời bộc bạch của cậu về cô Lan Khuê thì toàn là những chuyện cậu gặp trên Sài Gòn, rồi thì nỗi nhớ nhung cậu dành cho chỉ.
Đọc hết trang cuối cùng, tay tôi run run đánh rơi tờ giấy. Giữa trưa nắng nóng ngột ngạt mà tôi bỗng nhiên cảm thấy buốt giá không thôi. Mồ hôi lạnh túa ra ướt đẫm lưng áo đem đến một cảm giác rất khó chịu.
Trang thứ tư cậu viết nhiều lắm nhưng hồn tôi lơ lửng ngay tại khúc giữa.
“Chuyến này tôi về là để thưa chuyện với ba má hai bên… Huệ, chúng mình làm đám cưới rồi tôi đưa em lên Sài Gòn với tôi nhé?”
2.
Mấy ngày hôm nay, không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng. Má lặng lẽ treo quai nón màu tía lên chiếc đinh rỉ sét đóng chặt trên bức tường, gương mặt mệt mỏi co rúm lại, những nết nhăn già nua hằn sâu nơi khóe mắt.
Tôi lẳng lặng trao đôi đũa cho má, má nhìn mâm cơm con con rồi khẽ thở dài. Thường ngày, ba má con tôi chỉ được ăn cơm dưới bếp, cơm canh đạm bạc cũng chẳng có gì nhiều nhặn. Nhưng vui nhất là chờ má đi làm đồng về, hai chị em ngồi bên mâm cơm cười nói tíu tít tranh nhau kể chuyện cho má nghe.
Nhưng bữa cơm mấy hôm nay bỗng quạnh quẽ và chan chứa nước mắt. Tôi đưa mắt lén nhìn má rồi chẳng nói lời nào, cứ thế và cơm cho đầy miệng nhưng không cảm nhận được bất kỳ hương vị nào của món cá bống kho.
Má con tôi chẳng thể nào quên được ngày hôm đó, cái ngày mà bà hội đồng đem theo đứa ở sang nhà nói chuyện với cha tôi.
…
Hôm ấy thấp thỏm nấp sau cột nhà ngoài hiên, tôi và chị hai vẫn đinh ninh rằng bả đến vì hôn sự của chỉ với cậu Khải.
Nhưng hóa ra không phải.
Bà hội đồng chê nhà tôi “thùng rỗng thì kêu to”, chữ nghĩa dắt đầy mái nhà nhưng không có lấy nổi một đồng xu, bả mắng chị hai tôi không yên phận, con nhà nghèo nhưng thích trèo cao. Bả còn nói, cậu Khải lấy vợ là phải vợ Sài Gòn chính cống chứ không có thèm tơ tưởng con gái quê mùa làng này.
Suốt đời này có lẽ tôi chẳng thể nào quên được vẻ mặt khinh khi của bà hội đồng khi bả bĩu môi nói với cha tôi:
- Trèo cao thì ngã đau! Nhờ thầy Minh, thầy nhiều chữ thì khuyên giải cháu nó, nhà mình đây chỉ nên dòm ngó tới mấy cậu trai xóm bên, chứ đừng có ve vãn lại gần cậu Khải nhà tôi!
Cha ngồi quay lưng lại nên tôi không nhìn được nét mặt của cha lúc đó, chỉ thấy bàn tay đặt trên thành ghế run lên từng chặp. Đời cha, có lẽ, cũng chưa bao giờ phải chịu nhục nhã đớn đau đến thế. Tôi biết, cha sống thanh đạm khắc khổ nhưng cha quý con chữ đến nhường nào.
Chị Huệ khóc nấc lên, hai tay che lấy miệng để tiếng khóc không bật ra, chị chạy trối chết xuống gian nhà dưới.
Tôi buồn bã lủi thủi xuống cửa bếp ngồi, tôi mong ước cậu Khải và chị không thành duyên, nhưng cũng không muốn mọi chuyện lại quay qua thế này. Chị Huệ khóc cũng tốt, cứ để chỉ khóc cho thỏa, biết đâu qua cơn nức nở chỉ sẽ có đủ dũng khí để đối mặt với sự thật đớn đau.
Rằng chị em tôi chỉ như những con vịt xấu xí ngày ngày lạch bạch bên bờ ao, yên phận chờ tay người tới bắt đi hóa kiếp, còn cậu Khải là cánh diều đẹp đẽ đầy khao khát tung bay trên bầu trời rất cao rất xa. Con vịt con chỉ có thể giương cặp mắt vẩn đục ngắm nhìn diều sáo bay lượn, mãi mãi không đủ khả năng cất cánh chao liệng cùng diều…
…
Chỉ nhớ ngày hôm đó trời sâm sẩm tối, bà hội đồng mới thủng thỉnh cùng đứa ở rời khỏi cổng nhà tôi. Ngay khi bóng bả khuất sau rặng cây trước ngõ, cha sẵng giọng gọi chị Huệ lên trước hiên.
Tôi thấp thỏm ngồi trong bếp không dám ló mặt ra, có tiếng nói chuyện rù rì đều đều rồi âm vực của cha cứ lớn dần, lớn dần, từng tiếng quát nạt như đè nặng lên trái tim non nớt của tôi.
Tôi giật nảy mình khi những tiếng đen đét của gỗ chạm xuống nền sân gạch lạnh lẽo vang lên. Chị Huệ nằm sõng soài trên đất, gương mặt đỏ ửng, viền mắt ngấn nước nhưng miệng mím lại như kiên quyết không để tiếng nức nở nào thoát ra. Cha dùng thanh gỗ dựng trong góc nhà, một tay túm lấy mái tóc xổ tung của chị hai, một tay thật lực phang xuống người chỉ.
- Này thì trèo cao! Này thì không biết nhục! Trời đất quỷ thần ơi, tại sao tao lại sinh ra thứ con gái mất nết như mày…!
Tôi ôm miệng để nỗi sợ hãi của mình không bật ra thành tiếng. Đây là lần đầu tiên cha đánh chị, cũng là lần đầu tiên tôi thấy cha giận dữ và đớn đau đến thế. Có lẽ, cha cảm thấy bất lực.
Bất lực vì không thể lo cho con gái một chốn nương thân tử tế. Bất lực khi phải cắn răng nhẫn nhục nghe người ta dè bỉu mà miệng vẫn phải mỉm cười.
Má từ trong buồng lao ra ôm lấy cánh tay cầm roi của cha, nước mắt thi nhau rơi xuống má xuống cổ, má dùng hết sức lực ngăn cha tiếp tục phang những đòn gỗ đau rát xuống người chị Huệ. Cha sững lại, trong một khoảng khắc tôi mơ hồ nhìn thấy một giọt nước to như hạt đậu từ từ vuột khỏi khóe mắt cha, lăn theo gò má nhô cao và rơi xuống nền gạch đỏ thẫm, vỡ tan.
Cha liệng thanh gỗ ra xa, gương mặt khắc khổ vẫn co rúm lại, rồi chẳng nói thêm bất cứ điều gì cha bỏ vào buồng trong.
Ráng chiều phủ xuống nền sân, kéo dài hai cái bóng nhỏ bé của má và chị Huệ, má ôm chị Huệ, hai người phụ nữ lặng lẽ khóc.
03.
- Trời đất ơi, đâu ra thứ con gái mất nết! Ve vãn con trai nhà người ta để người ta sang tận nhà nói nhục vô mặt cha mày như vậy!
Tôi vừa hẩy thóc cho lũ gà đang chạy loanh quanh vừa nhăn mặt. Phần vì nắng gắt, phần vì thứ mùi khó chịu tỏa ra từ chuồng gà đặc quánh trong không khí ngột ngạt, phần vì những lời khó nghe đang ra rả phát ra từ trên nhà trên.
Suốt mấy ngày nay, dường như sợ căn nhà quạnh quẽ chưa đủ bức bối, mợ cả bế cậu Cường chửi đổng từ sáng tới tối. Cha đi miên man cả ngày, hễ về tới nhà là cha vô ngay buồng trong, cơm nước cũng phải bưng tới tận cửa buồng. Chị Huệ thì như người mất hồn, giờ đây tôi chẳng còn thấu được lòng dạ của chị nữa.
Tôi vừa bắc được cái rổ lên thì má sẽ giọng biểu tôi đi mua mấy hột vịt. Trời nắng chang chang nhưng tôi chẳng than vãn gì mà vội vội vàng vàng đội cái nón lá lên đầu, tất tả đi ngay. Tôi đi như chạy, trong thâm tâm chỉ mong muốn có thể rời xa khỏi căn nhà ấy, ít nhất là trong những ngày mệt mỏi như thế này.
Nhà thím Hai Nhiêu tạp hóa phải đi ngang qua bờ sông, mặt nước đục ngầu lăn tăn sóng gợi, làn gió khô nóng từ phía sông táp vào má tôi từng cơn bỏng rát. Tôi cúi người, tay giữ chặt lấy chiếc nón, chân vội rảo bước trên đoạn đường đất vắng lặng.
Trong khoảnh khắc đó tôi chợt nghe thấy những tiếng nước động mơ hồ dội tới.
Trên mặt sông hiu quạnh, bàn tay ai đó ngoi ngóp vẫy vùng trong cơn tuyệt vọng. Mặt nước xung quanh bắn tung tóe, sủi bọt trắng xóa. Nhìn quanh chẳng thấy có người, tôi chưa kịp nghĩ ngợi gì thì đã theo bản năng nhảy tùm xuống sông. Quờ quạng dưới nước hồi lâu, bày tay lần tìm nắm trúng nắm tóc mềm oặt như rêu, tôi vội vàng dùng sức kéo người đó lên mặt nước rồi quạt chân tiến về phía bờ.
Cô Lan Khuê!
Tôi sững sờ nhìn gương mặt trắng bệch trước mắt mình. Cô Khuê nằm bất động, cả người ướt sũng, mái tóc dài ngang vai dính bết chặt vào cổ vào má. Chẳng còn nhận ra sự kiêu kỳ lộng lẫy ngày nào.
Tôi bối rối cởi chiếc áo dài tay khoác tạm bên người, vo tròn lại rồi ghé vào đầu cổ. Sau đó tôi ngồi bó gối ở bên cạnh chờ cổ tỉnh lại. Đã mấy lần sốt ruột tôi toan đứng dậy bỏ vô làng tìm người giúp nhưng cuối cùng lại không nỡ để mặc cô Lan Khuê nằm lại một mình chốn sông nước heo hút này.
Mãi một lúc lâu lắc sau cổ mới động đậy tay chân, mí mắt vẫn nhắm nghiền nhưng đã ho lên vài tiếng, ngực phập phồng hơi thở yếu ớt. Đúng lúc đó có mấy người đi ngang qua, tôi vội vàng í ới gọi lại giúp.
Tôi chạy theo cô Khuê tới tận khi cổ được mấy người con trai bồng về nhà ông bà hội đồng, nghe thầy Trường phán cổ không còn nguy hiểm nữa mới chịu quay trở về nhà.
Ngày hôm đó ở nhà ông bà hội đồng, tôi gặp lại cậu Khải. Gương mặt cậu chất chứa nhiều ưu tư, chẳng còn nhìn thấy nét rạng rỡ sáng rực trong đôi mắt cương nghị. Cậu tiễn tôi ra tới tận cổng nhà, rầu rầu nói lời cảm ơn nhưng tuyệt không nhắc một chữ nào về chị hai. Cả tôi và cậu hiểu rõ, tất cả chúng tôi đều đang né tránh.
Tôi buồn bã nhìn bóng áo trắng của cậu khuất sau cột nhà, lồng ngực tựa như trĩu nặng không còn cảm giác. Cậu Khải ơi, sao mọi chuyện… lại thành ra như vầy hở cậu?
…
Chuyện tôi cứu sống cháu gái ông hội đồng chẳng mấy chốc lan nhanh ra khắp làng. Ngoài đường mấy dì mấy thím nhiều chuyện cứ níu cánh tay tôi lại đòi tôi kể chuyện cho nghe. Chẳng biết tam sao thất bản thế nào mà câu chuyện tôi nghe được lại thành ra cô Lan Khuê bị hồn ma chết đuối dụ nhảy xuống sông, may nhờ có tôi tình cờ đi ngang qua nên mới phát hiện thấy, tôi vật lộn hồi lâu với con ma mới cứu được cô Khuê còn sống lành lặn từ âm phủ trở về. Khi nghe thím Mẫn kể lại, tôi dở khóc dở cười.
Mấy ngày qua đi, chuyện cũng đã nhạt dần thì bất ngờ một buổi sáng bà hội đồng lại sang thưa chuyện với cha tôi lần thứ hai. Lần này có cả ông hội đồng, cậu Khải và cha con cô Lan Khuê cùng tới. Cô Khuê sắc mặt hơi xanh nhưng thần trí xem chừng có vẻ tỉnh táo, dường như đã hồi phục đôi phần sau lần chết hụt đó.
Cha và mợ cả ngồi trên ghế tiếp khách còn ba má con tôi sau khi mời nước thì đứng đằng sau hầu chuyện.
Câu chuyện ngày hôm đó phần nhiều xoay quanh việc tôi bất ngờ cứu sống cô Lan Khuê, bà hội đồng khen ngợi tôi nức nở mà hồn tôi lại ngơ ngẩn đi tận đâu đâu. Tôi mải quan sát nét mặt của cậu Khải và chị Huệ đó mà.
Từ đầu tới cuối chị Huệ chỉ đứng một chỗ, đầu cúi gằm xuống đất, chẳng ai nói động tới chị, chị như người thừa thãi trong cuộc viếng thăm bất ngờ của ông bà hội đồng. Còn cậu Khải đứng ở phía đối diện, ánh mắt lơ đãng luôn đặt lên chiếc rèm vải màu trắng sau lưng chị em tôi.
- Út Liên! – Cha đặt chén nước xuống mặt bàn, khẽ hắng giọng gọi tôi.
Tôi giật nảy mình, vội lên tiếng:
- Dạ? Cha biểu con chi?
Lúc này tôi mới để ý, hình như cha của cô Lan Khuê định nói gì đó với tôi.
- Bác biết ơn nghĩa của cháu đối với con gái bác là không kể xiết, nhưng nếu không làm gì đó cho cháu thì gia đình bác vô cùng áy náy. Nay, cháu có mong ước gì cứ nói, chỉ cần có thể thực hiện thì bác vui lòng giúp cháu.
Tôi được hỏi bất ngờ như vậy thì cứng người, ấp úng mãi chẳng nói nên lời. Mong ước lớn lao nhất của tôi là được học chữ thì cậu Khải đã thay cha hoàn thành ước nguyện đó.
Tôi lén đưa mắt nhìn gương mặt gầy gầy của cậu Khải ở phía đối diện, ước mơ thầm kín trong đêm thiếu nữ nào đó ùa về trong tâm trí. Nếu bây giờ… tôi nói rằng tôi muốn được… kết duyên cùng cậu thì sẽ thế nào?
Bà hội đồng có mắng tôi không yên phận, trèo cao thì ngã đau? Mợ cả có chửi tôi là đứa con gái mất nết chỉ rước nhục cho cha? Cha… cha liệu có đánh tôi như đã đánh chị hai?
Nhưng những điều đó chẳng còn quan trọng nữa.
Tôi hiểu, nếu tôi có được nên duyên vợ chồng với cậu thì đời tôi sẽ không hạnh phúc, đời cậu và cả đời chị hai tôi cũng vậy.
Người cậu thương là chị Huệ, không phải tôi. Cho dù tôi có làm cách nào đi chăng nữa cũng chẳng thể thay đổi đáp án trong lòng cậu. Chi bằng ba người đau khổ, cứ để một mình tôi lẳng lặng gánh lấy phần đớn đau này.
Và, hơn thế nữa chị là chị hai tôi. Tôi có thể tranh chồng của người khác nhưng không thể nào làm tổn thương chị. Nếu có ai đó hỏi tôi, tình thân và tình ái bên nào nặng bên nào nhẹ, có thể hai tháng trước tôi sẽ do dự trả lời, nhưng bây giờ thì trong lòng tôi đã sáng tỏ. Tôi lựa chọn tình thân, tôi lựa chọn chị.
- Cháu chỉ mong ông bà hội đồng tác thành cho chị hai cháu và cậu Khải.
Tôi nhắm mắt nói thật nhanh. Khi mở mắt, trong lòng nhẹ nhõm nhưng cũng đượm buồn.
Trên gương mặt những người lớn thoáng nét sửng sốt như không nghĩ rằng tôi sẽ thốt ra yêu cầu đó. Chị hai ngẩng phắt đầu nhìn tôi với ánh mắt mở to kinh ngạc. Tôi mỉm cười, khẽ gật đầu và nắm lấy bàn tay đang buông thõng của chị.
Ông bà hội đồng ngồi bất động hồi lâu, trong bầu không khí gượng gạo cô Lan Khuê vốn im lặng từ đầu đến cuối lại bỗng nhiên cất tiếng thánh thót:
- Phải đó hai bác à, người ta nói “ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên”. Hai bác tác hợp cho anh Khải và chỉ đi!
Hóa ra cổ cũng không đáng ghét như trong tưởng tượng của tôi! Được con gái mở lời, ông chú họ của cậu Khải cũng lên tiếng khuyên nhủ:
- Ân nghĩa của nhà thầy giáo Minh đây với gia đình ta sâu rộng, chẳng lẽ vẫn còn chưa xứng với con trai anh chị hay sao?
Bà hội đồng đưa mắt thăm dò chồng, hồi lâu ổng gật đầu đồng tình. Mọi người đều cười rạng rỡ vui mừng cùng hạnh phúc của lứa đôi, cậu Cường ngồi im trong lòng mợ cả chẳng hiểu chuyện gì cũng cất tiếng cười khanh khách. Má vui, cha vui, đương nhiên mợ cả cũng vui. Nhưng có lẽ chị Huệ là người vui sướng nhất, sau những ngày tủi hờn u uất, cuối cùng đời chị cũng hé mở một tia sáng.
Cậu Khải ngẩng đầu nhìn tôi, khi ánh mắt của hai chúng tôi giao nhau trong căn phòng ngược nắng, tôi thấy môi cậu vẽ một nụ cười biết ơn.
Giống như lần đầu tiên gặp gỡ, nụ cười của cậu cũng sáng ngời trong nắng ấm như vậy. Còn nhớ khi ấy sầu muộn đầu đời chưa giăng kín lối tôi đi về…
Trước <> Sau